Những điều chưa biết về Trường Sa

Sự thống trị của Pháp được bắt đầu bằng hiệp ước đầu tiên về chế độ bảo hộ ký tại Sài Gòn ngày 15-3-1874, được xác nhận bằng hiệp ước ấn định dứt khoát chế độ bảo hộ (Hiệp ước Patenôtre) ký tại Huế ngày 6-6-1884 và đã mang lại cho nước Pháp những thẩm quyền quan trọng trong một số lớn lĩnh vực.
Về phương diện ranh giới lãnh thổ, nước Pháp thực hiện quyền kiểm soát của mình ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Quân đội Pháp có thể lui tới tất cả các nơi trên lãnh thổ của Vương quốc.
Ngày 17-10-1887, liên hiệp Đông Dương được thành lập biến thành một chính quyền thuộc địa, nhất là dưới sự thúc đẩy của Toàn quyền Paul Doumer. Quyền lực cơ bản của Hoàng đế từ nay được chuyển vào tay Khâm sứ.
Các sự kiện liên quan đến quần đảo này hay quần đảo kia trong thời kỳ này là những sự kiện sau:
- 1881-1884. Người Đức tiến hành nghiên cứu có hệ thống tình hình thủy văn của quần đảo Hoàng Sa (như họ đã làm trên toàn bộ biển Trung Hoa) mà không có yêu sách nào về chủ quyền đi theo.
- Ngày 26-6-1887 , Pháp và Trung Quốc ký kết Công ước hoạch định biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc.
Văn bản này tuyên bố: “Tại Quảng Đông, hai bên đồng ý rằng những điểm tranh chấp ở phía Đông và Đông Bắc Móng Cái, ở phía bên kia đường biên giới được quy thuộc về Trung Quốc. Những hòn đảo nằm ở phía Đông đường kinh tuyến Paris 105043’ Đông, nghĩa là của đường thẳng Bắc – Nam đi qua mũi phía Đông của đảo Tch’a-Kou Ouanchan (Trà Cổ) và tạo thành biên giới, cũng thuộc về Trung Quốc. Các đảo Cô Tô và những hòn đảo khác ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam”.
-1895-1896, Hai vụ đắm tàu xảy ra tại quần đảo Hoàng Sa vào những năm đó đã gây ra sự tranh cãi. Đó là vụ đắm tàu Đức “Bellona” và vụ đắm tàu của Nhật “Imegi Maru”. Hai chiếc tàu vận chuyển đồng này do các công ty Anh bảo hiểm. Không thể cứu được hàng hóa trên tàu. Hàng hóa bị bỏ lại tại chỗ. Những người đánh cá Trung Quốc đã cướp lấy hàng hóa, và dùng thuyền buồm và xuồng vận chuyển hàng hóa đến đảo Hải Nam để bán lại cho các chủ tàu thuyền.
Các công ty bảo hiểm tìm cách lên án những người phải chịu trách nhiệm, đã thúc đẩy đại diện nước Anh tại Bắc Kinh và lãnh sự tại Hoihow phản đối.
Các quan chức Trung Quốc ở địa phương (Tổng đốc Lưỡng Quảng) đã cãi lại bằng cách trút bỏ mọi trách nhiệm với lý do là quần đảo Hoàng Sa, theo họ là các đảo đã bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc cũng không thuộc về An Nam, và về hành chính các đảo đó không được sáp nhập vào bất cứ một huyện nào của đảo Hải Nam và không có nhà chức trách đặc biệt nào “phụ trách về an ninh trên các đảo đó[48].
-1899, Toàn quyền Paul Doumer ra lệnh xây một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa. Việc nghiên cứu do các cơ quan kỹ thuật của chính quyền thuộc địa tiến hành. Nhưng việc đó không được thực hiện vì thiếu ngân sách[49].
-Ngày 6-6-1909, Phó vương Tổng đốc Lưỡng Quảng (gồm hai tỉnh của Trung Quốc là Quảng Đông và Quảng Tây) đã phái hai pháo thuyền nhỏ do Thủy sư Đô Đốc Lý Chuẩn chỉ huy, tiến hành một cuộc đổ bộ chớp nhoáng (24 giờ) lên vài đảo của Hoàng Sa.
Pháp không có một sự phản kháng nào.
-1920- một công ty của Nhật, Mitsui-Bussan Kaisha, sau khi liên hệ hỏi nhà cầm quyền Pháp đã tiến hành khai thác phốt phác trên một số đảo .
Từ năm 1920, Pháp thực hiện việc kiểm soát trên biển và kiểm soát hải quan đối với quần đảo Hoàng Sa.
-Ngày 30-3-1921, Thống đốc quân sự Quảng Đông cho biết là Chính phủ quân sự Miền Nam đã quyết định sáp nhập về mặt hành chính quần đảo Hoàng Sa vào Nhai Huyện (đảo Hải Nam). Nước Pháp không phản đối. (Chính phủ Quảng Đông không được chính quyền trung ương Trung Quốc và các cường quốc công nhận).
- Từ năm 1925, việc nghiên cứu khoa học về quần đảo Hoàng Sa do một phái đoàn đứng đầu là tiến sĩ A.Krempf, Giám đốc Viện Hải Dương học lãnh đạo thực hiện trên tàu lưới kéo De Lanessan. Sau đó tàu hải dương học này lại thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đất của nước Pháp.
- 1927, Tổng lãnh sự Nhật Bản, ông Kurosawa, yêu cầu các quan chức Pháp ở Đông Dương cung cấp những thông tin về quy chế lãnh thổ của quần đảo Trường Sa.
-Tháng 11 năm 1928, Công ty phốt phát mới của Hoa Kỳ đã xin Thống đốc Nam Kỳ cấp phép nghiên cứu mỏ ở đảo Trường Sa.
-Tháng 7 năm 1927, tàu De Lanessan thăm chính thức quần đảo Trường Sa.
- Ngày 15 – 6- 1929, Thống đốc Nam Kỳ viết thư cho Đại Tá, Chỉ huy trưởng Hải quân tại Đông Dương, thông báo cho ông ta biết sự mong muốn của Toàn quyền phái một chuyến tàu ra đảo Trường Sa hay Bão Tố, đảo này đã được sáp nhập về mặt hành chính vào tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ).
-Ngày 13-4-1930, Toàn quyền Đông Dương đã phái thông báo hạm La Malicieuse tới quần đảo Trường Sa. Các thành viên của tàu đã kéo quốc kỳ Pháp trên một điểm cao. Thông cáo ngày 23-9-1930 đã thông báo cho các cường quốc khác về sự chiếm đóng của Pháp trên quần đảo Trường Sa.
-1931, Trung Quốc cho đấu thầu việc khai thác phân chim trên quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Pháp đã gửi thông điệp cho công sứ quán Trung Quốc tại Paris ngày 4-12-1931 về yêu sách các đảo.
-Ngày 29-4-1932, Kháng nghị của Chính phủ Pháp nêu rõ các danh nghĩa lịch sử và các bằng chứng về sự chiếm hữu của An Nam, sau đó là của Pháp.
Cùng năm này, Pháp đề nghị đưa vụ tranh chấp này ra các tòa án quốc tế và Trung Quốc đã phản đối đề nghị này.
-Ngày 13-4-1933, một hạm đội nhỏ thuộc các lực lượng Hải quân Pháp ở Viễn Đông, dưới sự chỉ huy của Trung tá Hải quân De Lattre rời Sài Gòn đến đảo Trường Sa (gồm thông báo hạm La Malicieuse). Sự chiếm hữu tiến hành theo nghi thức cổ xưa – đó là một văn bản được thảo ra và các thuyền trưởng ký thành 11 bản – Mỗi đảo nhận một văn bản, được đóng kín vào trong một cái chai rồi được gắn trong một trụ xi măng xây trên mỗi đảo tại một điểm ấn định và cố định trên mặt đất, người ta kéo lên lá cờ tam tài và thổi kèn trên từng hòn đảo.
-1933, Theo Nghị định ngày 26-7, Chính phủ Pháp công bố việc chiếm hữu của Hải quân Pháp đối với quần đảo Trường Sa (Từng đảo một được ghi lần lượt). Và theo Nghị định ngày 21-12 của cùng năm đó, Thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer sáp nhập chính thức quần đảo Trường Sa vào Tỉnh Bà Rịa.
-1937, Kỹ sư trưởng công chính Gauthier, nhân danh chính quyền thuộc địa Pháp, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khả năng xây dựng các công trình biển và hàng không tại quần đảo Hoàng Sa và xây dựng một hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa.
-1938-1939, Kết quả của chuyến nghiên cứu Gauthier được mở rộng. Pháp phái các đơn vị cảnh vệ tới các đảo. Theo Nghị định ngày 15-6-1938. Jules Brévié, Toàn quyền Đông Dương, (sau khi Hoàng đế Bảo Đại ký dụ chuyển quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Nam Ngãi sang tỉnh Thừa Thiên).
- Ngày 5-5-1939, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié, đã sửa đổi Nghị định trước và thành lập hai đại lý trên quần đảo Hoàng Sa.
Một tấm bia được dựng lên trên đảo Hoàng Sa (Pattle) vào năm 1938 với dòng chữ “Cộng hòa Pháp – Vương quốc An Nam – Quần đảo Hoàng Sa – 1816 – Đảo Pattle 1938”. Trên quần đảo Hoàng Sa, có một hải đăng, một trạm khí tượng và một trạm vô tuyến được đặt trên đảo Hoàng Sa. Các công việc đó cũng sẽ được tiến hành đối với quần đảo Trường Sa, trên đảo Ba Bình (Itu Aba).
-1939, Ngày 31-3, Chính phủ Nhật Bản (Bộ Ngoại giao) tuyên bố sự kiểm soát của họ trên quần đảo Trường Sa. Thông báo được chuyển tới Đại Sứ quán Pháp bằng một thông điệp khẳng định rằng Nhật Bản là người đầu tiên thám hiểm quần đảo vào năm 1917. Nhật Bản nhận xét là ở đó không có một quyền lực hành chính địa phương nào và cho đó là một tình trạng có hại cho quyền lợi của Nhật Bản. Ngày 4-4 năm đó, nước Pháp đưa ra phản kháng.
Trong số các nước thứ ba, phải ghi nhận lập trường của nước Anh, đã được xác định trong cuộc tranh luận ngày 5-4 của Hạ Nghị viện. Đại diện Bộ Ngoại giao Anh lúc đó khẳng định “chủ quyền trọn vẹn của nước Pháp”.
-Ngày 1-12-1943, Thông cáo chung của Hội nghị Tam cường Anh – Mỹ – Trung tại Cairo khẳng định ý chí buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Trung Hoa dân quốc các lãnh thổ mà Nhật Bản đã ăn cướp của họ (Mãn Châu, Đài Loan, Bành Hồ).
-Ngày 9-3-1945, Đơn vị Đông Dương trên quần đảo Hoàng Sa bị hải quân Nhật bắt làm tù binh. Người Nhật chỉ rút khỏi quần đảo Hoàng Sa vào năm 1946. Họ được một phân đội bộ binh Pháp đổ bộ từ tàu Savorgnan de Brazza đến thay thế ngay từ tháng 5, nhưng đơn vị này chỉ ở đó vài tháng.
Các toán quân của Tưởng Giới Thạch lấy cớ giải giáp quân đội Nhật Bản đã đổ bộ lên Hoàng Sa vào tháng 11-1946 và lên một đảo của quần đảo Trường Sa vào tháng 12-1946.
-Ngày 2-8-1945, Tuyên ngôn Postdam.
Thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai.
-Ngày 15-8-1945, Nhật Bản đầu hàng. Ngày 19-8, Việt Minh giành được chính quyền ở Hà Nội. Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh được thành lập ngày 22-8. Ngày 25-8 Hoàng đế Bảo Đại thoái vị, ngày 2-9, Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam và lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nước Pháp chủ trương giành lại quyền kiểm soát Đông Dương.
-Ngày 28-2-1946, Một Hiệp ước Pháp – Trung được ký ở Trùng Khánh cho phép Pháp thay thế quân đội Trung Quốc ở Bắc Kỳ.
Nhưng Chính phủ Hồ Chí Minh ký với các đại diện Pháp các Hiệp định ngày 6-3-1946. Theo Hiệp định, nước Pháp công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa, thành viên của Liên hiệp Pháp.
-Việc thi hành các Hiệp định ngày 6-3-1946 gặp vô vàn khó khăn. Từ tháng 12-1946, chiến sự mở rộng ra khắp nơi.
Nhưng Pháp đã sử dụng con bài một nhà nước Việt Nam gọi là “Quốc gia”, khuyến khích lập ra một chính phủ Việt Nam thứ hai được hợp thức hóa bởi các Hiệp định ngày 8-3-1949 và các Hiệp định 1954 đã tạo ra sự tồn tại của hai nước Việt Nam với việc chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương. Nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam lại tiếp diễn cho đến khi thống nhất hai nước Việt Nam vào năm 1975.
- Đến 1947, (ngày 7-1, hay 13-1 tùy theo nguồn tin), lợi dụng tình trạng các đảo không có sự chiếm đóng của các nhà chức trách Pháp, Trung Quốc cho quân đội đổ bộ một lần nữa lên đảo Phú Lâm (woody) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Chính phủ Pháp đã chính thức phản đối sự chiếm đóng bất hợp pháp đó là gửi một phân đội lính Pháp và Việt Nam đến đặt một đồn lính ở đảo Hoàng Sa.
-Chính phủ Trung Quốc phản kháng và các cuộc thương lượng được tiến hành từ 25-2 đến ngày 4-7-1947 ở Paris. Tại đây, Chính phủ Trung Quốc đã từ chối không chấp nhận việc nhờ trọng tài giải quyết do Pháp đề xuất. Ngày 1-12-1947, Tưởng Giới Thạch ký một sắc lệnh đặt các tên Trung Quốc cho hai quần đảo và đặt chúng thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
-1948, những sự kiện ở Trung Quốc làm cho người ta chú ý đến tình hình các quần đảo.
Việc thiết lập chế độ cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1949 đã làm thay đổi rất nhiều môi trường quốc tế của cuộc tranh chấp.
-Tháng 4-1949, Đổng lý văn phòng của Hoàng Đế Bảo Đại, Hoàng thân Bửu Lộc, tại một cuộc họp báo tại Sài Gòn đã công khai khẳng định lại các quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
-Tháng 4-1950, Đồn lính do Trung Hoa dân quốc đặt trên đảo Phú Lâm đã được rút đi. Đơn vị lính Pháp vẫn được duy trì ở đảo Hoàng Sa. Ngày 14-10, Chính phủ Pháp chính thức chuyển giao cho Chính phủ Bảo Đại quyền quản lý các quần đảo. Tổng trấn Trung phần đã chủ tọa việc chuyển giao quyền hành ở quần đảo Hoàng Sa.
Lúc đó dường như không có một sự có mặt nào về mặt quân sự ở quần đảo Trường Sa.
-1951, Quần đảo Trường Sa trở thành đối tượng của các yêu sách trên lĩnh vực ngoại giao. Tổng thống Philippin, Quirino, đòi các đảo đó cho Philippin (17-5) với lập luận về tính kế cận. Ngày 24-8, Tân Hoa xã tranh cãi về các quyền của Pháp và những tham vọng của Philippin và những kiên quyết khẳng định quyền của Trung Quốc.
Từ mùa hè năm 1951 bắt đầu hình thành bản dự thảo một Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Bản Hiệp ước sẽ được ký vào 8-9-1951. Trong đó, điều 2, đoạn 7 nêu:
Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với các quần đảo Paracels và Spratleys”.
Được thông báo về bản dự thảo Hiệp ước, ngày 15-8-1951, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chu Ân Lai, ra bản tuyên bố công khai khẳng định tính lâu đời của các quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo.
-Tháng 9-1951, Hội nghị San Francisco khai mạc. Trung Quốc đã không có mặt[50].
Ông Gromyko trong buổi họp toàn thể ngày 5-9, đưa ra 13 điểm bổ sung. Điểm thứ nhất dự kiến việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa “Trên các đảo Paracels và các đảo khác quá về phía Nam”. Điểm này đã bị bác bỏ với 48 phiếu trên 3.
Ngày 7-9, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chính phủ Bảo Đại trịnh trọng tuyên bố hai quần đảo thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Không có đại biểu nào bình luận về bản Tuyên bố này.
Không có một sự quy thuộc rõ ràng các đảo được thực hiện bằng thỏa thuận khi kết thúc hội nghị.
-1952, Trong một cuộc hội thảo tại Hội đồng Liên hiệp Pháp, khi được yêu cầu cho biết ý kiến về Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, có nhiều tuyên bố đã được đưa ra, song đôi khi chúng mâu thuẫn với nhau:
-Ông Nguyễn Khắc Sử, báo cáo viên Ủy ban các quan hệ đối ngoại nhận xét rằng Nhật Bản từ bỏ tất cả mọi quyền đối với các quần đảo nhưng trong văn bản đã chẳng có một chữ nào nói đến sự quy thuộc sau này của chúng.
Ông nói thêm “Nhưng các đảo này đã từ lâu là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi dám hy vọng rằng trong các cuộc thương lượng sau này – trong thời gian không xa lắm, việc trả lại chúng theo luật sẽ được tiến hành với một tinh thần hiểu biết hữu nghị”.
Cũng trong cuộc tranh luận này, ông Gorse nhắc lại việc bản Hiệp ước đã loại Nhật Bản ra ngoài các lãnh thổ này nhưng lại không giải quyết vấn đề dứt khoát chuyển giao chúng về đâu. Và ông Bửu Kính nhắc lại quyền của Việt Nam sau khi Tổng thống ngoại giao Maurice Shuman đã khẳng định:
Hoàn toàn đúng là các quần đảo Paracels và Spratleys thuộc lãnh thổ của Liên hiệp Pháp”.
Người ta thấy có sự mâu thuẫn sâu sắc giữa các luận điểm này với các điều nói ra ngày hôm sau, ngày 26-3-1952, của Maurice Faure, báo cáo viên về luật phê chuẩn Hiệp ước, ông ta coi các đảo đó trở thành terra derelictae (đất đai bị bỏ).
-Tháng 10-1955, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế có một cuộc họp ở Manila. Trong Nghị quyết số 24, hình như các nhà chức trách Đài Loan đã được yêu cầu tăng cường các hoạt động quan sát khí tượng trên các đảo ở Nam Sa. Có lẽ đã không có phản đối hay bảo lưu gì (theo nguồn tin của Trung Quốc).
-Tháng 4-1956, Đội quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương. Chính quyền Nam Việt Nam đưa các lực lượng vũ trang đến thay thế các đơn vị Pháp ở đảo Hoàng Sa.
Nhưng, khi đó Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho quân đổ bộ một cách kín đáo, chiếm bộ phận phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (cụm An Vĩnh).
Như vậy, từ năm 1956, quần đảo Hoàng Sa đã bị quân đội của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm đóng ở phía Đông, và quân đội của chính quyền Nam Việt Nam ở phía Tây là bên đã cho xúc tiến ở đó việc nghiên cứu thủy văn và cho phép khai thác phốt phát.
Còn ở Trường Sa, ngày 15-3-1956, Thomas Cloma, một công dân Philippin đã đổ bộ lên một số đảo của quần đảo Trường Sa. Với danh nghĩa tư nhân, cùng với một số bạn, ông có ý đồ chiếm hữu một số hòn đảo và đặt tên là “Đất tự do” bằng lập luận về quyền phát hiện và chiếm cứ. Ngày 15-5, ông ta thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao Philippin.
Ông này, trong một cuộc họp báo ở Manila ngày 19-5, lại dựa vào lập luận kế cận để đưa ra ý kiến về các quyền của Philippin trên quần đảo Trường Sa. Nhưng khi Thomas Cloma yêu cầu Chính phủ Philippin ban hành quy chế bảo hộ cho bộ máy quản lý mà ông ta dựng lên, người đại diện của Philippin tuyên bố là trừ bảy hòn đảo với tên gọi quốc tế là Spratleys, thì các thành phần khác của quần đảo đều là res nullius (đất vô chủ).
Ngày 31-5, Chính phủ Bắc Kinh ra một Thông cáo tuyên bố sẽ không dung thứ bất kỳ một sự xâm phạm nào đến các quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên quần đảo Trường Sa.
Nhưng, Đại sứ Đài Loan tại Manila, nhân danh Trung Hoa dân quốc lại khẳng định các quyền của Trung Quốc từ thế kỷ XV. Một đơn vị đồn trú của Trung Hoa dân quốc đã được gửi đến đảo Ba Bình (Itu Aba) và nó được duy trì từ đó đến nay.
Ngày 1-6-1956, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chính quyền Nam Việt Nam, Vũ Văn Mẫn, khẳng định lại các quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.
Ngày hôm sau, Pháp nhắc lại với Chính phủ Philippin các quyền mà Pháp đã có từ năm 1933.
Ngày 22-8, lực lượng Hải quân Sài Gòn đổ bộ lên đảo chính của quần đảo Trường Sa, dựng một bia và kéo cờ.
Tháng 10 năm đó, Hải quân Đài Loan can thiệp tại chỗ, chống lại Thomas Cloma.
Ngày 22-10-1956, Nghị định (thực ra là Sắc lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa – ND) của Việt Nam sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Phước Tuy.
Tháng 2-1958, Nhiều dân chài Trung Quốc định đến đóng trên phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa nhưng không thành công.
Ngày 4-9-1958, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra một bản tuyên bố xác định bề rộng của lãnh hải Trung Quốc là 12 hải lý.
Bản tuyên bố nói rõ điều khoản này được áp dụng cho các quần đảo.
Bản tin này được công bố ngày 6-9-1958 trên báo Nhân Dân, cơ quan của Ban chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt Nam. Nó không bị tranh cãi.
Ngày 14-9 cùng năm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong một công hàm gửi Thủ tướng Trung Quốc đã khẳng định: “ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thưởng bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định đó”.
-Ngày 9-5-1965, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa khi phản ứng lại quy định của Chính phủ Mỹ về “Khu vực tác chiến” của lực lượng vũ trang Mỹ tại Việt Nam, có thể đã tuyên bố: “Tổng thống Mỹ Giônxơn đã ấn định toàn bộ nước Việt Nam và các vùng kế cận rộng khoảng 100 dặm từ bờ biển Việt Nam trở ra và một bộ phận của vùng biển nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở quần đảo Tây Sa là khu vực chiến đấu của  lực lượng vũ trang Mỹ”(nguồn tin của Trung Quốc).
-Ngày 13-9-1969, Báo Nhân Dân của Việt Nam có lẽ đã đăng tin sau: “Ngày 10-5, một máy bay quân sự Mỹ đã xâm phạm vùng trời Trung Quốc, trên đảo Vĩnh Hưng và đảo Đông thuộc quần đảo Tây Sa tỉnh Quảng Đông Trung Quốc” (nguồn tin của Trung Quốc).
-Ngày 11-7-1971, Tổng thống Philippin cho biết quân đội Trung hoa dân quốc đã chiếm đóng và củng cố đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) nhưng ông lại không bày tỏ bất cứ yêu sách nào của Philippin về quần đảo này mặc dù quân lính Philippin đã chiếm đóng trên một số đảo nhỏ. Một thông cáo ngày 13-7 cho thấy đang tiếp diễn các cuộc đối thoại giữa Đài Loan và Philippin về vấn đề quần đảo này. Cũng trong ngày đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sài Gòn, Ông Trần Văn Lắm, có mặt ở Manila, nhắc lại yêu sách của Việt Nam và các danh nghĩa làm cơ sở cho yêu sách đó.
Ngày 16-7 cùng năm, Tân Hoa Xã lên án Philippin chiếm đóng một số đảo của quần đảo Trường Sa và khẳng định các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo này.
-1973, Trong khi Hội nghị quốc tế Paris đang diễn ra vào tháng 3-1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền Nam Việt Nam, trong ngày 6-9, đã sửa đổi việc sáp nhập hành chính Trường Sa (từ đây thành một bộ phận của tỉnh Phước Tuy) (Nghị định ngày 6-9-1973 sáp nhập các đảo trên quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy – ND)
-Ngày 11-1-1974, Bắc Kinh tuyên bố đó là một việc lấn chiếm lãnh thổ Trung Quốc và khẳng định lại các yêu sách của Trung Quốc về hai quần đảo.
Ngày 15-1, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho quân đội đổ bộ lên các đảo phía Tây Hoàng Sa cụm Nguyệt Thiềm (Crescent) mà từ trước vẫn do Việt  Nam chiếm đóng, và trong những ngày tiếp theo họ hỗ trợ hành động trên bằng một cuộc triển khai hải quân mạnh mẽ.
Ngày 18-1, Đại sứ Đài Loan tại Sài Gòn bằng công hàm ngoại giao đã khẳng định lại yêu sách của Trung Hoa Dân quốc.
Ngày 19-1 và 20-1, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bắn phá các đảo và cho quân đổ bộ lên sau các trận đánh ác liệt chống lại lực lượng Việt Nam.
Quan sát viên của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an xem xét vấn đề này.
Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam công bố lập trường của mình cho rằng trước sự phức tạp của vấn đề, cần phải xem xét nó trên cơ sở những nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và quan hệ láng giềng tốt và giải quyết tranh chấp bằng con đường thương lượng.
Lầu Năm Góc, được chính quyền Nam Việt Nam yêu cầu can thiệp, quyết định đứng ngoài cuộc xung đột.
Qua thông điệp ngoại giao được gửi đến tất cả các nước ký các Hiệp định Paris ngày 2-3-1973, chính quyền Nam Việt Nam nhắc lại sự đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được công nhận. Chính quyền Nam Việt Nam yêu cầu Hội đồng Bảo an họp một phiên đặc biệt.
Ngày 2-7, đoàn đại biểu của Nam Việt Nam ra tuyên bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật biển nhằm khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo.
Chính quyền Sài Gòn quyết định tăng cường phòng thủ các đảo ở quần đảo Trường Sa, điều đó đã làm cho phía Philippin phản đối.
Ngày 5, 6-5-1975 – Hải quân nhân dân Việt Nam giành lại quyền kiểm soát các đảo ở quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn.
Ngày 10-9, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gửi một công hàm cho Việt Nam dân chủ cộng hòa nhấn mạnh rằng hai quần đảo luôn luôn là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc.
Ngày 24-9, nhân cuộc viếng thăm Trung Quốc của một đoàn đại biểu Việt Nam, Đặng Tiểu Bình, Phó thủ tướng Trung Quốc tuyên bố: “Vấn đề tất nhiên sẽ được đưa ra thảo luận trong tương lai”.
- Ngày 12-5-1977, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về các vấn đề các quyền trên đảo của mình (lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa).
Khoản 5 của Tuyên bố ghi các đảo và quần đảo, là bộ phận lãnh thổ Việt Nam và nằm ngoài lãnh hải, đều có các vùng biển riêng của chúng.
-Ngày 2-3-1978b, lực lượng vũ trang Philippin chiếm thêm một đảo (đảo Lan Can) ở quần đảo của Trường Sa, ngoài các đảo đã chiếm từ trước.
-1979, Trong một sắc lệnh vào tháng 2, Tổng thống Philippin coi gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Philippin (ngoại trừ bản thân đảo Trường Sa).
-1982, Vào tháng 6, Tân Hoa Xã loan tin thành lập một cảng lớn ở Hoàng Sa.
Ngày 12-11, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tuyên bố này bao gộp các quyền đảo.
Ngày 9-12, việc phối hợp về mặt hành chính các quần đảo ở Việt Nam có những thay đổi.
-1983, Ngày 23-2, Malaysia nêu lên vấn đề chủ quyền của Malaysia đối với ba hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 25-3, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản kháng mọi quyền của Malaysia đối với các đảo và đảo nhỏ này. Tháng 6 cùng năm, quân đội Malaysia được gửi tới đảo Hoa Lau và tiến hành xây dựng các công trình quan trọng ở đó. Việt Nam đã phản đối hành động này.
-1984, Ngày 2-6, Quốc hội Trung Quốc quyết định thành lập một khu vực hành chính đặc biệt gồm đảo Hải Nam và hai quần đảo. Chính phủ Việt Nam đã phản đối.
-1988, Vào tháng 2, lần đầu tiên Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gửi quân đội tới một số đảo của quần đảo Trường Sa và thể hiện sự có mặt về quân sự ở đó.
Ngày 14-3, một cuộc va chạm hải quân đã xảy ra xung quanh đảo Gạc Ma, đảo Cô Lin và đảo Lan Đao. Nhiều tàu Việt Nam bị hư hại.
Các tàu chiến Trung Quốc đã sử dụng pháo hạng nặng, 74 thủy thủ Việt Nam được coi là mất tích. Và các tàu Trung Quốc đã ngăn cản các tàu cứu trợ Việt Nam mang dấu hiệu chữ thập đỏ khi triển khai các hoạt động cứu nạn.
Sau các va chạm này, Hải quân Trung Quốc tiếp tục ngăn cản các hoạt động tiếp tế do tàu Việt Nam thực hiện (Nguồn tin của Việt Nam).
Bên nào cũng phản đối, nhưng từ thời điểm đó mọi việc vẫn ở trong tình trạng ấy.
Cũng trong năm 1988, vào tháng 4, Chính phủ Philippin đã bầu một thị trưởng cho thị trấn được thiết lập trên các đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa mà họ kiểm soát (Thủ phủ là Thị Tứ), đặt một cơ sở hành chính có tổ chức hơn cho yêu sách của họ đối với các đảo.
-Tháng 5-1989, Trung Quốc chiếm thêm một đảo nhỏ.
Tháng 8-1989, Việt Nam hoàn thành việc xây dựng một cụm dịch vụ – kinh tế – khoa học kỹ thuật trong quần đảo Trường Sa (Theo Công bố của Chính phủ Việt Nam ngày 4-7-1989, cụm dịch vụ – kinh tế kỹ thuật này được xây dựng trên thềm lục địa Việt Nam ngoài phạm vi quần đảo Trường Sa – ND).
-Tháng 8-1990, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đề nghị tiến hành khai thác chung khu vực quần đảo Trường Sa.
-1991, từ 15 đến 18-7, do sáng kiến của Indonexia, một hội nghị quốc tế đã được tổ chức tại Bandung giữa các quốc gia trong khu vực về vấn đề quần đảo Trường Sa. Bản thông cáo cuối cùng khuyến khích đối thoại và đàm phán.
-1992, ngày 25-2, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thông qua luật mới xác định lãnh hải của họ một cách quá rộng, bao gộp luôn các quần đảo, coi như lãnh thổ Trung Quốc.
Tháng 5, Trung Quốc cấp cho công ty Mỹ Crestone Energy đặc nhượng thăm dò dầu biển tại Nam Trung Hoa trong khu vực nằm cách bờ biển Việt Nam 300 km, khu vực mà chính phủ Hà Nội yêu sách như vùng đặc quyền về kinh tế của mình.
Ngày 8-7, Trung Quốc chiếm thêm một số đá ngầm tại quần đảo Trường Sa.
-1994, trong nhiều dịp, Trung Quốc nhắc lại đề nghị của họ gác tranh chấp, cùng khai thác.
Tháng 4-1994, báo chí (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông, ngày 13-10) nói về một cuộc đụng độ trên biển giữa một tàu Trung Quốc đang tiến hành thăm dò địa chấn cho công ty Crestone và các tàu Việt Nam khi họ ra lệnh cho tàu Trung Quốc phải rời khỏi khu vực mà họ coi là thuộc quyền tài phán của Việt Nam. Tàu Trung Quốc có lẽ đã tuân lệnh.
-Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã cho phép Chính phủ Hà Nội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển.
- 1995, Ngày 9-2, Philippin phản kháng việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chiếm một đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa (đá Vành Khăn Panganaban) do Chính phủ Manila yêu sách, và đã bắt đầu xây dựng chỗ neo trú cho tàu thuyền tại đó.
Vào thời điểm này, năm quốc gia cùng chia sẻ sự chiếm cứ thực sự quần đảo Trường Sa, Trung Quốc là nước duy nhất chiếm đóng Hoàng Sa từ sau các vụ đụng độ quân sự năm 1974[51].
Do đó, cần phải tiến hành phân tích pháp lý các yêu sách khác nhau đối với từng quần đảo một.
Nguồn: anhbasam.com




No comments:

Post a Comment