SÁT THỦ CÁ KHỦNG

Ai là đệ nhất "cần thủ" miền Bắc?
Hình ảnh quen thuộc mà giới câu cá nhìn thấy bên Hồ Tây là một gã gầy nhẳng, cao lênh khênh, quanh năm suốt tháng diện bộ rằn ri...


Không biết trò câu lăng xê bắt nguồn từ đâu, nhưng hầu như chỉ thấy dùng nhiều ở Hồ Tây. Cách săn cá này cũng được áp dụng thành công ở sông lớn, nước chảy mạnh, để săn cá lăng, chiên, măng, nheo, trạch… Dân câu lăng xê giỏi nhất phải kể đến đội ngũ câu trộm ở các làng Yên Phụ, Thụy Khuê, đặc biệt là Võng Thị, Trích Sài của phường Bưởi.

Với cách câu này, một người có thể thả vài chục mồi, quăng vài chục lưỡi, như vậy, một người đi câu mà bằng vài chục người ôm cần. Công nghệ câu trộm kiểu này đã góp phần khiến “khủng long Hồ Tây” mỗi ngày một hiếm và có thể nói đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Câu lăng xê là công nghệ săn trộm, còn săn trắm đen bằng lưỡi lục mới thực sự có chút văn hóa câu trong đó, và mới được giới "cần thủ" kính nể.

Cần thủ câu lăng xê không có đối thủ ở Hồ Tây là Nguyễn Trọng Tuấn, tức Tuấn “ba tiêu” (làng Võng Thị, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội), nhưng cao thủ săn “khủng long Hồ Tây” bằng câu lục thì phải kể đến Quách Mạnh Hùng, thường gọi là Hùng “râu”, ở làng Trích Sài, cũng thuộc phường Bưởi.

Hình ảnh quen thuộc mà giới câu cá nhìn thấy bên Hồ Tây là một gã gầy nhẳng, cao lênh khênh, quanh năm suốt tháng diện bộ rằn ri, tay áo xắn cao khoe hình xăm chằng chịt. Điệu bộ dữ tợn, nhưng thực ra, Hùng “râu” cực kỳ hiền lành.

Cả ngày lẫn đêm, Hùng "râu" đều ngồi như tượng ở Hồ Tây.

Với Hùng “râu”, câu lục là nét văn hóa của người Hà Nội, nên 20 năm nay, anh ta chỉ trung thành với những bộ lưỡi chùm 6 chiếc.

Câu lục rất cầu kỳ và tốn kém. Có thể chỉ cần vài trăm ngàn cũng có được một bộ câu lục, song cũng có thể tốn cả chục triệu, nếu muốn thửa một bộ câu lục đẳng cấp. Riêng hệ thống cần câu với đủ loại dài ngắn, gồm nhiều thương hiệu, cùng phụ tùng đi theo của Hùng cũng tiêu tốn chừng trăm triệu.

Lục là bộ lưỡi gồm 6 nhánh, một số nơi khác gọi là lưỡi chùm. Giữa chùm lưỡi gắn một cục chì để kéo lưỡi định hình dưới đáy hồ. Câu lục vi diệu ở chỗ không cần tóm mồi, do đó, có thể câu được cả những con cá khó tính, không thèm ăn mồi.

Thật khó có thể tin, chỉ với những chiếc lưỡi lục mỏng manh, cần thủ có thể kéo "khủng long" vài chục kg lên bờ.

Câu lục là một thú, săn trắm đen là đam mê. Có một điều mà giới câu cá khó lý giải, đó là, có những "cần thủ" cả đời vác cần đi câu, câu được đủ các loại cá, nhưng không bao giờ câu được trắm đen. Nhưng có những "cần thủ" lại liên tục tóm được “khủng long” như Hưng “sần”, Tuấn “ba tiêu” và Hùng “râu”. Vậy nên, với dân câu kéo, ngoài tài nghệ, những người săn trắm đen đều phải có chữ “duyên” đi cùng.

Nói về kỹ nghệ săn trắm đen bằng lưỡi lục, có lẽ phải dành một đề tài nghiên cứu nhiều trang mới chuyển tải hết được cái thú của người câu. Với giới câu cá, chỉ cần săn được một con trắm đen trên 10kg bằng lưỡi lục đã là một chiến tích lớn, được nhớ mặt điểm tên trên các diễn đàn câu cá. Nếu săn được “khủng long” từ 20kg trở lên, sẽ được giới câu cá gắn “mề đay” để tôn vinh. Còn chưa câu được trắm đen thì đừng hòng được dân trong giới gọi là "cần thủ". Chẳng thế mà dân câu kéo luôn ghi nhớ câu nói: “Phi trắm đen bất thành cần thủ”.

Niềm vui của "cần thủ" khi tóm được "khủng long" (Ảnh: Diễn đàn câu cá).

Theo Hùng “râu”, sát thủ “khủng long” nổi tiếng miền Bắc, không chừng nổi tiếng cả nước, không ai khác là Hưng “sần”. Người đàn ông này nổi tiếng bởi đã từng trục được từ Đầm Trị (gần Phủ Tây Hồ) tổng cộng 200 con “khủng long” toàn cỡ hàng chục kg. Số lượng trắm đen cần thủ Hưng “sần” câu được ở những hồ câu nổi tiếng khác cũng cỡ đó nữa.

Hưng “sần” từng nổi tiếng trong giới câu cá bởi câu nói: “Để săn được trắm đen, thì kẻ đi săn phải có dòng máu của người nguyên thủy”. Điều đó có nghĩa, hành động đi săn cá phải bắt nguồn từ bản năng sinh tồn và cái bản năng sinh tồn từ thuở hồng hoang đó phải thăng hoa thành một thú chơi.

"Cần thủ" Hưng "sần" - sát thủ của trắm đen.

Sau vài năm Hưng “sần” ngồi “đốt tiền” ở Đầm Trị, giờ đây, Đầm Trị đã vắng bóng trắm đen.

Cần thủ Hưng “sần” giỏi đến nỗi nhiều hồ nước phải méo mặt khi có ngày anh ta kéo lên khỏi hồ cả tạ cá trắm đen, con nào con nấy cứ phơi bụng như lợn con. Nhiều chủ hồ khi thấy Hưng “sần” phóng con xe máy cọc cạch đến, phải nghĩ kế đuổi khéo.

"Cần thủ" Hưng "sần" thả con trắm đen 25kg xuống hồ Đồng Quê.

Năm ngoái, hồ Đồng Quê (Hà Đông), chỉ còn con trắm đen duy nhất, nặng 25kg, dùng để “nhử” cần thủ tìm đến, cũng bị Hưng “sần” lôi lên bờ. Một hành động hiếm có, đó là Hưng “sần” thả lại con cá xuống hồ. Chủ hồ đã chuẩn bị một phong bì cám ơn, song đã bị anh ta mắng cho một trận. Hưng “sần” thả lại con cá xuống hồ để các cần thủ khác còn có cơ hội thể hiện tài năng. Xúc động với nghĩa cử của Hưng “sần”, chủ hồ Đồng Quê tuyên bố: “Ai câu được con trắm đen do anh Hưng thả xuống, chủ hồ sẵn sàng trả giá từ 500 ngàn đồng trở lên cho 1kg, để thả lại làm kỷ niệm”.

Tuy nhiên, Hưng “sần” chỉ nổi tiếng ở Đầm Trị, Ao Chùa (quận Tây Hồ) và hồ Đồng Quê, còn giới câu cá ở Hồ Tây thì ít người biết tiếng. “Khủng long Hồ Tây” nặng vài chục ký đều biến cách trốn tránh lưới vét và ít nhất cũng vài lần từng dính lưỡi câu, nên chúng đã … thành tinh cả, do đó, không phải là người sống mấy chục năm bên Hồ Tây, từng lặn ngụp dưới Hồ Tây kiếm sống, hiểu rõ luồng lạch Hồ Tây, tập tính loài cá này, thì đừng nói tới chuyện săn được trắm đen Hồ Tây.

"Cầu thủ" Hưng "sần" và chú "khủng long" trục lên từ Đầm Trị.

Câu được trắm đen Hồ Tây là một việc vô cùng khó, nên mới đây, một "cần thủ" ở Hoàn Kiếm câu được con 37kg, dù câu được trong hoàn cảnh mèo mù vớ cá rán, song đã khiến giới câu cá kinh ngạc. Tuy nhiên, theo Hùng “râu”, chuyện câu được những con cá như thế là chuyện thường ngày của các cần thủ ở Võng Thị và Trích Sài, nhưng chả ai dại gì kể chiến tích ấy trên báo chí, để rồi Công ty đầu tư khai thác Hồ Tây lại mở hàng loạt chiến dịch truy quét, xua đuổi.

Theo Hùng “râu”, phải là những cần thủ có số có má, có đức tính kiên nhẫn trời cho mới hy vọng tóm được “khủng long”. Cái khó ở chỗ, “khủng long” thì to, mà dây cước và lưỡi lục phải thật nhỏ mới mong lừa được những “quái vật thành tinh” này. Khi “khủng long” dính lưỡi là chuyện nhỏ, nhưng trục được nó lên bờ mới là chuyện lớn. Nhiều khi, “khủng long” dính lưỡi từ chập tối, nhưng đến tờ mờ sáng hôm sau nó mới chịu ngửa bụng để anh kéo vào bờ.

(VTC News)

No comments:

Post a Comment